Với vai trò nòng cốt trong hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí là hoạt động nổi bật trong chăm sóc sức khỏe nhân dân được Hội CTĐ các cấp triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua. Nhiều đối tượng là người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn… đã được hưởng lợi từ những hoạt động nhân văn này.
Để hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân được tổ chức hiệu quả, các cấp Hội CTĐ đã củng cố, kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân; huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng hội viên, tình nguyện viên về kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu…
Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức khám, tuyên truyền, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người nghèo, nạn nhân da cam, gia đình chính sách.
Năm 2023, các cấp hội đã khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc, tặng quà cho hơn 2.000 lượt nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người nghèo, người cao tuổi; khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho hơn 1.000 học sinh dân tộc thiểu số…; phối hợp với một số bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Nha khoa quốc tế Úc Châu, đội bác sĩ tình nguyện… tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe miễn phí, khám chuyên khoa răng, tặng thẻ khám, chữa răng, khám mắt miễn phí, tặng quà cho gần 1.000 nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật, người nghèo, người dễ bị tổn thương. Hội đã vận động hiến máu tình nguyện và tiếp nhận được gần 21.200 đơn vị máu an toàn.
Cùng với đẩy mạnh, nâng cao kiến thức sơ cấp cứu cho người dân, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho người lao động.
Để đa dạng các loại hình mạng lưới tình nguyện viên, xây dựng lực lượng tình nguyện viên CTĐ ngày càng đông đảo về số lượng, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, Hội CTĐ tỉnh đã thành lập đội y, bác sĩ tình nguyện CTĐ với 36 thành viên là những giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, nguyên lãnh đạo các bệnh viện lớn…
Đội bác sĩ tình nguyện có nhiệm vụ thực hiện các chương trình khám bệnh nhân đạo, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các nhiệm vụ khác phục vụ công tác nhân đạo do Hội CTĐ tỉnh giao.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Trần Phú Phương cho biết: “Khác với các hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân cần phải có đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn, trình độ y khoa tốt. Tại Vĩnh Phúc có nhiều y, bác sĩ nghỉ hưu, y, bác sĩ trong và ngoài ngành Y tế mong muốn có những đóng góp cho cộng đồng; họ luôn sẵn sàng tham gia các chương trình, hoạt động khám, chữa bệnh, nhất là các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, từ thiện.
Trước đây, khi tổ chức các hoạt động khám sức khỏe nhân đạo, Hội CTĐ phải huy động các bệnh viện, cơ sở y tế nên không chủ động được thời gian. Sự đồng hành của đội ngũ y, bác sĩ tình nguyện đã giúp giải quyết được khó khăn về nhân lực, tăng thêm hiệu quả công tác nhân đạo của hội, tạo được lòng tin, uy tín đối với các địa phương và nhân dân…”.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và người tàn tật tỉnh Trần Văn Vạn cho biết: “Việc thành lập Đội bác sĩ tình nguyện CTĐ mở ra cơ hội cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế, được tư vấn sức khỏe từ những bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp của các y, bác sĩ tình nguyện tham gia hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Những việc làm ý nghĩa trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hội CTĐ tỉnh đã góp phần mang dịch vụ y tế đến gần hơn với người dân, giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt nỗi lo về bệnh tật, yên tâm lao động sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Thời gian tới cần có sự chung tay của các cấp, ngành trong việc vận động, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Qua đó, góp phần đưa hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả tích cực.
Bích Huệ
Bình luận 0