Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ …”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã thể hiện tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia với tinh thần “Cho đi là còn mãi” sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam, nữ để làm công tác nhân đạo. Hội được thành lập ngày 23/11/1946 tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Hồng thập tự Việt Nam tại thôn Đình Ấm, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội trong suốt 23 năm từ Ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời (1946 – 1969). Trải qua quá trình 78 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp. Mỗi bước tiến của Hội trên hành trình nhân ái đều gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm hướng tới mục đích cao cả là “Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân”, đặc biệt trong công tác đối ngoại, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, từ những năm đầu mới thành lập, hoạt động đối ngoại của Hội tập trung vào việc trao trả tù binh chiến tranh theo tinh thần của Luật nhân đạo quốc tế (mặc dù thời gian này Chính phủ Việt Nam chưa tham gia các Công ước Giơnevơ). Sau này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (11/1957), công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và phát triển. Hội đã gửi thư đến Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tố cáo và phản đối quân đội Mỹ rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam, ném bom các bệnh viên có biểu tượng Chữ thập đỏ, gửi thư chia sẻ với các Hội quốc gia nơi xảy ra xung đột, thảm họa, tham gia hồi hương, tiếp nhận hàng cứu trợ… Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với 192 Hội quốc gia thành viên, luôn chủ động vận động ủng hộ Nhân dân các nước khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa…; và có mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Trong suốt quá trình phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã chỉ đạo tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14, ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới”; quyết định nhiều chủ trương mới của Đảng về lãnh đạo công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội đã ban hành Luật hoạt động chữ thập đỏ (03/6/2008). Chính phủ đã tăng cường quản lý Nhà nước, ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động…Có thể khẳng định rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội ChữThập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng xứng đáng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ, tham gia, góp phần chăm lo có hiệu quả các đối tượng nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Cùng với sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc từ khi được thành lập đến nay đã từng bước đặt từng viên gạch vững chắc trên con đường sự nghiệp nhân đạo.
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 12/11/1996 của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo thực hiện chia tách một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ngày 12/12/1996, Tỉnh ủy Vĩnh Phú có Văn bản số 155-CV/TU về việc bố trí cán bộ, trong đó, phân công, hiệp thương với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cán bộ lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ. Ngày 16/12/1996, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành Quyết định số 1393/CTĐ về việc công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ lâm thời Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó, Ban Chấp hành gồm 11 ủy viên; Ban Thường vụ gồm 03 ủy viên. Hội hoạt động từ ngày 01/01/1997. Ngày 26/6/1998, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành Quyết định số 432-QĐ/TC.CTĐ về việc công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc khóa III, trong đó, Ban Chấp hành gồm 15 ủy viên; Ban Thường vụ gồm 05 ủy viên, Ban Kiểm tra gồm 03 ủy viên; ông Nguyễn Đăng Tùng – Giám đốc Sở Y tế được phân công kiêm nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội. Khi mới tái lập, toàn tỉnh có 6/9 Hội Chữ thập đỏ huyện, thị và 86/150 Hội cơ sở xã, phường, thị trấn.
Trải qua 27 năm tái lập với muôn vàn khó khăn, xong được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Chữ thập đỏ từng bước xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức ngày càng rộng khắp và lớn mạnh; các lĩnh vực công tác dần được triển khai chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, thành phố Vĩnh Yên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam Trịnh Xuân Dần, tổ dân phố Chùa, phường Định Trung (Vĩnh Yên). Ảnh: Trà Hương
Hoạt động Chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
Các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ngày càng thiết thực, mang tính phát triển bền vững, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện chính sách xã hội của địa phương; từ đó tạo được lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền; thu hút sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, nhân dân địa phương và đặc biệt của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cả nước, quốc tế.
Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, phát triển bền vững, trở thành nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo” đã xác định mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ mới là các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm phấn đấu và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động. Xây dựng Hội thực sự vững mạnh, toàn diện, chuyên nghiệp, tự chủ, thích ứng với tình hình, ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân đạo từ cơ sở, giáo dục lòng nhân ái. Qua đó, khẳng định vai trò nòng cốt, vai trò điều phối trong mọi lĩnh vực hoạt động nhân đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương, đồng thời, góp phần thực hiện tốt Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với quyết tâm đổi mới đột phá, từng bước thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, toàn Hội tiếp tục nỗ lực, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của đất nước, xứng đáng với sứ mệnh nhân đạo vì hạnh phúc của nhân dân, sự tiến bộ, công bằng của xã hội.
Có thể nói, với mục đích nhân đạo, hoạt động xã hội thiết thực, gắn liền với cuộc sống nhân dân; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức quần chúng có khả năng vận động tốt phong trào cách mạng của quần chúng rộng lớn đứng lên làm chủ cuộc sống của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội của Đảng, phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phát huy truyền thống và những kết quả mà Hội đã đạt được 78 năm qua, nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ là mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hội, thực hiện tốt sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.
Nguyễn Thị Quỳnh Liên- PCT Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc
Bình luận 0