Không chỉ đồng hành cùng các hoàn cảnh khó khăn, trao yêu thương bằng những giọt máu hồng nhân đạo, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn tỉnh còn là cầu nối nhân ái trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng. Từ chương trình này, các đối tượng chính sách, người cao tuổi, nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn đã được hưởng lợi ích thiết thực thông qua hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe và sơ, cấp cứu ban đầu.
Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên triển khai các chương trình cung cấp kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho các tình nguyện viên là tài xế xe ôm, lái xe taxi, công nhân, lao động tại các nhà máy, học sinh, sinh viên tại các trường học…Anh Trần Cao Cường đang công tác tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh là một giảng viên tích cực tham gia giảng dạy tại các khóa tập huấn. Anh cho biết: “Việc hướng dẫn người dân các ký năng về sơ, cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân bị đuối nước, bỏng, gãy xương, điện giật…là hoạt động hữu ích, có thể áp dụng trong nhiều tình huống, giúp các nạn nhân không may bị tai nạn đảm bảo tính mạng. Trong các buổi truyền đạt kiến thức, tôi luôn linh hoạt trong phương pháp giảng dạy và đa dạng hoạt động thực hành, vì vậy phần lớn các tình nguyện viên tham gia tập huấn đều có thể áp dụng thành thạo trong thực tiễn. Nhờ các lớp học này, nhiều người dân, công nhân, học sinh bị tai nạn đã được cứu sống. Tôi cũng từng trợ giúp được rất nhiều trường hợp, trong đó có tình huống sơ cấp cứu, nẹp cố định chân cho một số nạn nhân bị tai nạn xe máy tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch”.
Anh Nguyễn Hữu Hưởng, công nhân Công ty TNHH Công nghệ CosMos, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: Vừa qua, chúng tôi đã được cán bộ Hội CTĐ tỉnh truyền đạt các kỹ năng về sơ, cấp cứu ban đầu như: băng bó, ép tim, thổi ngạt ngoài lồng ngực, xử trí nạn nhân bị điện giật, gãy chân. Do trong quá trình lao động, bản thân tôi và đồng nghiệp có nguy cơ gặp phải một số tai nạn do trơn, trượt, va vào các vật sắc nhọn…vì vậy, các kiến thức này rất hữu ích với chúng tôi.
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tháng Nhân đạo” năm 2019, vừa qua cán bộ Hội CTĐ tỉnh và các tình nguyện viên là bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mang yêu thương và hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng đến với bà con xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, với 150 người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn được khám, tư vấn sức khỏe và xét nghiệm máu, nước tiểu, đo độ loãng xương, khám răng, khám cơ xương khớp, điện tim…Thông qua việc tư vấn, hướng dẫn các phương pháp chăm sóc sức khởe khoa học, các bác sĩ đã giúp người dân xua tan nỗi lo bệnh tật. Dù thời tiết những ngày tháng 5 oi nóng nhưng tấm lòng nhân ái và tình cảm chân thành của đội ngũ cán bộ Hội CTĐ cùng các tình nguyện viên trong đoàn công tác đã khiến người dân vô cùng phấn khởi và cảm động.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội bác sĩ tình nguyện thuộc Hội CTĐ tỉnh cho biết: “Đội bác sĩ tình nguyện được thành lập năm 2015 gồm 10 bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư của Bệnh viện Quan y 103 (Hà Nội) và Bệnh viện Quân y 109 (Vĩnh Phúc) đã nghỉ hưu. hàng năm chúng tôi thường xuyên phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức chương trình khám từ thiện và phát thuốc miễn phí, tư vân sức khỏe cho người dân. Thông qua đó, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp người cao tuổi mắc những bệnh lý nguy hiểm mà không biết rõ tình trạng sức khởe của mình. Mặc dù, các thành viên của Đội tình nguyện đã cao tuổi nhưng chúng tôi rất vui vì được tham gia hoạt động và được đóng góp sức lực, kiến thức của mình để đồng hành cùng với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với ý nghĩa thiết thực, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đông của Hội CTĐ tỉnh đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến, trân trọng của nhân dân. Cùng với hoạt động khám bệnh, sơ, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe.
Quỳnh Hương
Bình luận 0