Từ đầu tháng 9 đến nay, tại nhiều địa phương trong cả nước như Sóc Trăng, Nghệ An, Cần Thơ, Bình Ðịnh, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh…, đã xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ (ÐMÐ). Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Vinh (Nghệ An), trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 người đến khám và điều trị bệnh ÐMÐ.
Khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: dantri.com.vn
Tại Bệnh viện Mắt – Răng hàm mặt Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, con số này là 100 lượt người bệnh. Trong những ngày gần đây, số người tới Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh khám, điều trị bệnh ÐMÐ, cao điểm có ngày lên tới hơn 250 ca. Sở Y tế Ðồng Nai đã ghi nhận toàn tỉnh có hơn 10 nghìn người mắc bệnh trong tháng 9.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh ÐMÐ (viêm kết mạc cấp) do vi-rút Adeno tiến công kết mạc, gây viêm. Ðây là bệnh theo mùa, xuất hiện trong khoảng thời gian tháng 9, tháng 10, khi thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, nắng gắt thất thường, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi-rút gây bệnh phát triển mạnh. Triệu chứng điển hình của bệnh là mắt đau rầm rộ, có nhiều dử, cảm giác cộm như có bụi trong mắt. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày lây sang mắt còn lại, đôi khi đi kèm với viêm họng hay viêm hạch trước tai. Bệnh lây lan qua tiếp xúc, nói chuyện hay tay chân tiếp xúc với vật dụng của người bệnh.
Ðể khẩn trương phòng, chống không để ÐMÐ lây lan trên diện rộng, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác theo dõi điều trị cho người bệnh, triển khai các biện pháp dự phòng, giám sát dịch tễ, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, khu vực cách ly, phương tiện phòng hộ cá nhân… Các trạm y tế xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa cần khám, điều trị bệnh ÐMÐ đúng, với những người bệnh nặng bị biến chứng, vượt quá khả năng điều trị, phải kịp thời chuyển lên tuyến trên. Các trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe tích cực tuyên truyền, tư vấn về nguyên nhân gây bệnh và cách thức tự phòng tránh bệnh cho người dân, nhất là ở địa phương có số người bệnh tăng cao.
Bản thân mỗi người cũng cần tự chủ động phòng ngừa bệnh ÐMÐ bằng cách chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng sát khuẩn, nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý hằng ngày. Trong trường hợp có dấu hiệu ÐMÐ, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để khám và điều trị chính xác, tránh bị bội nhiễm. Người bị ÐMÐ cần chữa bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc chữa, nhất là những loại thuốc có chứa corticoid sẽ làm bệnh biến chứng viêm loét giác mạc rất nguy hiểm. Do bệnh rất dễ lây, cho nên trong thời gian điều trị, người bệnh không nên tới nơi công cộng đông người, tránh không để lây sang người khác.
Bình luận 0