Tháng 5- Tháng Nhân đạo. Nhằm nâng cao nhận thức về giá trị nhân đạo trong cộng đồng, nhân dịp kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5) và Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và là Chủ tịch Danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ. Đồng thời, đây cũng là dịp tưởng nhớ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), qua đó thúc đẩy phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”. Tháng Nhân đạo sẽ góp phần thay đổi nhận thức về công tác nhân đạo, phát huy lối sống nhân ái trong cộng đồng và tăng cường vận động các nguồn lực hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 17/3/2025, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-CTĐ về việc triển khai Tháng Nhân đạo 2025. Tháng Nhân đạo sẽ diễn ra từ ngày 20/3 đến ngày 31/5/2025, với hai tuần cao điểm bắt đầu từ Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5) đến Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Chương trình sẽ được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Mục tiêu của Tháng Nhân đạo năm 2025 là vận động và hỗ trợ ít nhất 4.000 đến 4.500 người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ bao gồm: xây mới và sửa chữa 1 công trình nhà ở, 1 công trình vệ sinh, và 1 điểm bếp ăn cho các trường mầm non, tiểu học khó khăn với giá trị tối thiểu 150 triệu đồng; xây dựng 5 ngôi “Nhà Chữ thập đỏ” cho người khuyết tật, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam với mức hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ sinh kế cho ít nhất 10 hộ nghèo, trị giá hỗ trợ tối thiểu 15 triệu đồng/hộ; tặng quà cho ít nhất 200 gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, sẽ có ít nhất 150 địa chỉ nhân đạo được kết nối và hỗ trợ, đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị triển khai ít nhất 1 hoạt động về phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.Tháng Nhân đạo 2025 cũng nhằm hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc gặp rủi ro bất ngờ, công nhân lao động nghèo, và hội viên Hội Chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động chính trong Tháng Nhân đạo bao gồm: phát động các chiến dịch và chương trình nhân đạo, tuyên truyền thông qua các cơ quan truyền thông như Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH, và Cổng thông tin điện tử tỉnh. Ngoài ra, còn tổ chức các chương trình như Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”, hiến máu, hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người, huấn luyện sơ cấp cứu, khám sức khỏe miễn phí, tặng quà, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ và các di tích lịch sử cách mạng. Các hoạt động sẽ được tổ chức cùng với sự tham gia của các cơ quan, lãnh đạo các cấp, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng.
Dương Phương
Bình luận 0