Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022 được tổ chức trọng thể trong 2 ngày, 15 và 16 tháng 8 năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội. 487 đại biểu đại diện cho hơn 8 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đã về dự Đại hội.
Trên cơ sở thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IX trình và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý kiến thảo luận của đại biểu Đại hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
QUYẾT NGHỊ
- Thông qua Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khoá IX trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với một số nội dung cơ bản:
1.1. Về đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2012-2017, Đại hội khẳng định: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã được thực hiện nghiêm túc, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra; tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác chỉ đạo tiếp tục được đổi mới; việc vận động chính sách được quan tâm hơn; công tác đối ngoại, tuyên truyền gắn với vận động nguồn lực tiếp tục được duy trì; các phong trào, các cuộc vận động của Hội được triển khai đạt kết quả thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần giáo dục lòng nhân ái, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.
Tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt hơn 9.563 tỷ đồng, trung bình 1.912 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước, gấp 1,3 lần so với nhiệm kỳ Đại hội VIII, trong đó giá trị hoạt động công tác xã hội đạt 56%, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt gần 20,8%, hiến máu nhân đạo đạt hơn 10,6%, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt gần 4,8%, tuyên truyền, huấn luyện cán bộ đạt 7,8%; trợ giúp trên 36 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (trung bình hơn 7 triệu lượt người nghèo/năm); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 7,11 lần.
1.2. Về các hạn chế, yếu kém, Đại hội chỉ rõ: xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, phát triển chưa đồng đều, chưa vững chắc; công tác phát triển, quản lý hội viên, tình nguyện viên nhìn chung chưa chặt chẽ. Hoạt động Hội ở một số cấp Hội chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động mờ nhạt. Công tác vận động nguồn lực chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá; mức dư các quỹ thấp so với trị giá hoạt động; phát triển quan hệ đối tác thiếu bền vững; quản lý tài chính ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ. Công thông tin, thống kê, báo cáo thiếu chính xác; công tác thi đua-khen thưởng chưa tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua làm nhân đạo ở cơ sở. Một số vụ việc tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Hội ở Trung ương và một số địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Một số chỉ tiêu Đại hội IX không đạt hoặc đạt tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, công tác vận động chính sách chưa đạt hiệu quả mong muốn, nhất là chính sách cán bộ Hội và cơ chế điều phối trong hoạt động nhân đạo; hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của Hội đối với vấn đề an sinh xã hội, nhân đạo không đáng kể; hiệu quả phối hợp hoạt động với một số ngành, đoàn thể chưa cao.
1.3. Từ thực tiễn chỉ đạo công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2012-2017, Đại hội thống nhất một số bài học kinh nghiệm sau:
- a) Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tổ chức Hội là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.
- b) Thường xuyên chăm lo công tác cán bộ Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, tâm huyết, có năng lực vận động nhân đạo là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng tổ chức và triển khai hoạt động của Hội.
- c) Hoạt động của Hội phải thiết thực, rõ “màu cờ, sắc áo”, có tính giáo dục cao; thực sự coi trọng tuyên truyền và vận động nguồn lực, giúp cho Hội tổ chức hoạt động nhân đạo chủ động, kịp thời.
- d) Xây dựng tổ chức Hội đoàn kết, thống nhất, không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với cán bộ Hội và hoạt động Hội là nhân tố quan trọng thúc đẩy công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.
- e) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; chú trọng nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng mô hình, điển hình trong hoạt động nhân đạo; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.
1.4. Về mục tiêu công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2012-2017, Đại hội xác định: xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực, các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo của Hội, trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giáo dục lòng nhân ái và đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Phương châm cơ bản trong chỉ đạo, điều hành của toàn Hội là: ĐOÀN KẾT, DÂN CHỦ, KỶ CƯƠNG, SÁNG TẠO.
1.5. Đại hội thống nhất 10 chỉ tiêu cơ bản:
- a) Phấn đấu ít nhất 700.000 “địa chỉ nhân đạo” được trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp từ Hội trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; xây dựng thành công để từng bước nhân rộng mô hình Cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- b) Phấn đấu 100% tổ chức Hội thuộc 33 tỉnh, thành phố hay xảy ra thiên tai đảm bảo dự trữ tiền, hàng theo cơ số, sẵn sàng cứu trợ khi thiên tai xảy ra; 100% tổ chức Hội ở địa bàn còn lại đảm bảo dự trữ tiền theo chỉ tiêu, sẵn sàng ủng hộ địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai.
- c) Phấn đấu 80% tỉnh, thành Hội có mô hình đội khám, chữa bệnh lưu động; 1,5% dân số được phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu.
- d) Phấn đấu vận động đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại địa phương hàng năm, đảm bảo tỷ lệ trung bình chung đạt trên 1,5% dân số hiến máu; xây dựng 01 trung tâm máu thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- e) Tham gia xây dựng 10 mô hình cộng đồng an toàn[1] ở 10 khu vực khác nhau, từng bước nhân rộng và tham mưu Chính phủ nhân rộng mô hình này.
- g) 100% các tỉnh, thành Hội có trang thông tin điện tử hoặc bản tin Chữ thập đỏ định kỳ hàng tháng hoặc quý; 100% tỉnh, thành Hội chỉ đạo cung cấp thông tin cho các báo chí của Hội, đặt mua Báo Nhân đạo và Đời sống, Tạp chí Nhân đạo.
- h) 100% cấp Hội đều có Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ.
- i) 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn nghiệp vụ hoặc cập nhật thông tin, kỹ năng công tác Hội định kỳ hàng năm theo phân cấp; ổn định số lượng và nâng cao chất lượng hội viên; tăng ít nhất 10% số tình nguyện viên; các cấp Hội đều hình thành đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ công tác của cơ quan chuyên trách Chữ thập đỏ tại địa bàn.
- k) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về công tác Chữ thập đỏ; tham mưu xây dựng và thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù về tài chính đối với Hội theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp tham mưu tổng kết 10 năm Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” (vào năm 2020), tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ (vào năm 2018), 10 năm công tác hiến máu tình nguyện (vào năm 2018).
- l) 100% cấp Hội đều thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra của Hội.
1.6. Giao cho Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ý kiến của đại biểu Đại hội để hoàn chỉnh văn bản và chính thức ban hành.
- Thông qua toàn văn Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung. Giao Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
- Thông qua Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IX đối với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2012-2017; công nhận kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X gồm: 127 vị; công nhận Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm: 34 vị, Thường trực Trung ương Hội gồm: 03 vị; công nhận kết quả bầu cử Ban Kiểm tra Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X gồm: 09 vị, kết quả bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban Kiểm tra khóa X.
Giao cho Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X ban hành quyết định công nhận và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị ủy viên Ban Chấp hành.
- Thể theo nguyện vọng của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước; theo sự phân công của Bộ Chính trị, Đại hội vinh dự suy tôn đồng chí Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam làm Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2017-2022.
- Giao cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khoá X xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ X
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
[1] Cộng đồng an toàn xét từ sự tham gia của Hội gồm các tiêu chí cơ bản: i) Cộng đồng có hiểu biết cơ bản về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu; người dân, nhất là trẻ em biết bơi, có kỹ năng cứu đuối nước; ii) Người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; iii) Cộng đồng có hiểu biết về hiến máu, luôn có người hiến máu tình nguyện, góp phần đảm bảo đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị; iv) Mọi người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn đều nhận được sự trợ giúp thích hợp từ tổ chức Hội hoặc thông qua tổ chức Hội.
Xem văn bản đầy đủ tại đường dẫn: 15033934707500_Nghiquyet.HX.2017_final
Bình luận 0