Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò tổ chức Hội trong việc nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, góp phần xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.
Trước những thách thức của thiên tai cực đoan, bất thường, công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các hoạt động phòng, chống thiên tai từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được đẩy mạnh và triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả.
Trên cơ sở nội dung Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” đã được phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai; tham gia tập huấn, huấn luyện sơ cấp cứu; phổ biến pháp luật và các quy định pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; vận động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Giai đoạn 2023-2025, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, dân quân tự vệ, cán bộ không chuyên trách, lực lượng xung kích; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên, học sinh trong trường học (Theo Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 của UBND tỉnh). Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng, chăm sóc chấn thương tại các cơ sở y tế. 100% các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện đảm bảo năng lực sơ cấp cứu, tiếp nhận nạn nhân tai nạn giao thông, thảm họa, thiên tai trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu sơ cấp cứu; 100% trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh và các phương tiện giao thông công cộng được trang bị tủ, túi hoặc hộp sơ cấp cứu tại chỗ; 80% cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn, cán bộ cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, thanh gia giao thông, nhân viên y tế thôn, người làm công tác y tế trường học, cán bộ Hội Chữ thập đỏ được tập huấn về sơ cấp cứu tai nạn thương tích.
Với nhiệm vụ được giao, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động bao gồm: xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyên viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ về các tình huống khẩn cấp trong phòng ngừa ứng phó thảm họa. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; bước đầu triển khai hoạt động huấn luyện sơ cấp cứu cho đội ngũ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các xã phường và tuyên truyền về phòng tránh tai nạn thương tích cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Hội đã đạt được những kết quả quan trọng đó là hỗ trợ về mặt tài liệu hoá các sản phẩm quan trọng mang tính hệ thống, có ý nghĩa thực tiễn trong một thời gian dài, tác động trên một phạm vi rộng và giúp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp nhận thấy rõ năng lực của Hội trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp và đóng góp cho việc phát triển lực lượng, tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thảm hoạ thiên tai của các cấp Hội và chính quyền các địa phương. Hội đã đào tạo theo chương trình chuẩn cho trên 1.700 cán bộ cơ sở Hội, đội ứng phó thiên tai về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa; giúp ích cho hơn cho 3.400 người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, với tổng trị giá trên 25 tỷ đồng.
Quá trình triển khai các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó cần thực hiện tốt việc huy động các lực lượng ứng phó khẩn cấp tại cộng đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai các hoạt động ứng phó rất hiệu quả. Đặc biệt đã phát huy vai trò “xung kích”, “phản ứng nhanh” trong ứng phó cứu trợ khẩn cấp trước thiên tai, trong thiên tai và sau thiên tai. Bằng cách làm cụ thể, hiệu quả công tác huy động Đội ứng phó cộng đồng trong tình huống khẩn cấp đã giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Dương Phương
Phòng CTXH&TT
Bình luận 0