Việc làm là nhu cầu tối thiểu của mỗi người, kể cả người khuyết tật (NKT). Trong suy nghĩ của nhiều người, NKT gần như không thể tự chăm sóc bản thân, song trên thực tế họ có thể làm việc và tạo ra thu nhập. Điều này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với bản thân NKT mà còn với gia đình và toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, việc chuyển cách tiếp cận NKT từ nhân đạo (xin – cho) sang quyền của người khuyết tật được xem là cách hỗ trợ cơ bản, lâu dài và nhân đạo nhất.
Người khuyết tật tỉnh Vĩnh Phúc được học nghề thủ công (Nguồn ảnh: Vietnamnet)
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 20.828 người; trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng là 3.355 người, người khuyết tật nặng là 15.079 người, người khuyết tật nhẹ là 2.394 người. Nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc luôn cùng các sở, ngành quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ NKT học nghề, làm nghề, nỗ lực xóa bỏ rào cản để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2021-2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp truyền nghề, dạy nghề cho hơn 400 người khuyết tật, 85% số học viên sau khi được truyền nghề, dạy nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, mức thu nhập trung bình từ 4,5 triệu đến 6,5 triệu đồng. Nghề may công nghiệp là một trong các nghề được người khuyết tật lựa chọn nhiều, do dễ làm và có thu nhập cao.
Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp, do những rào cản xã hội, như thái độ của cộng đồng khi NKT tham gia vào thị trường lao động; NKT thường thiếu thông tin về việc làm; nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc nhận NKT vào làm việc…
Qua tìm hiểu, nhu cầu tuyển dụng nhân viên thiết kế đồ họa ở các công ty quảng cáo, công nhân làm nghề thủ công, công nhân may mặc tại các doanh nghiệp là rất lớn. Những nghề này khá phù hợp với NKT vì ít di chuyển; chỉ cần có năng khiếu, sáng tạo và cần cù, chịu khó.
Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã và đang tiến hành rà soát, cập nhật số lượng NKT có nhu cầu được đào tạo nghề và tạo việc làm trên toàn tỉnh. Theo mức độ khuyết tật của mỗi người, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tập trung hướng việc tư vấn nghề, giải quyết việc làm cho NKT phù hợp với khả năng gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Với trách nhiệm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ là cầu nối giữa người tuyển dụng và NKT nhằm hỗ trợ tư vấn, khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện để NKT tham gia vào thị trường lao động. Điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ của cộng đồng khi nhìn NKT, không nhìn vào khiếm khuyết mà nhìn nhận khả năng của NKT; giúp NKT thay đổi tư duy, để họ tự tin tìm kiếm cơ hội việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật tại Tổ dân phố Đại Lợi, phường Tiền Châu – Thành phố Phúc Yên (Ảnh: Dương Chung).
Hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc sử dụng người lao động là người khuyết tật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại Điều 34 của Luật này”. Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, trên thực tế, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật nhưng dưới 30% tổng số lao động đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đây là nguyên nhân tạo ra sự không bình đẳng giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật (dưới 30%) với cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng lao động là người khuyết tật.
Để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật ngày càng chất lượng, bên cạnh sự vào cuộc của Hội Chữ thập đỏ và các cấp, các ngành, tỉnh cần phải có những giải pháp cụ thể: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động đối với NKT; nghiên cứu để đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện hệ thống thông tin cung- cầu thị trường lao động, thông qua việc tổ chức điều tra, cập nhật dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, khách quan, tiến hành cung cấp kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp cũng như các đối tượng NKT để khai thác những thông tin về nhu cầu nhân lực, điều kiện việc làm, công tác đào tạo, chiến lược phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn tỉnh; có cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ NKT học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc, hỗ trợ những NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh; các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT, phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả./.
Quỳnh Liên
Bình luận 0