Nhìn cái vóc nhỏ gầy và mảnh khảnh, dáng đi lúc nào cũng vội vàng của người phụ nữ ấy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Và càng thấy cảm thương, xót xa hơn khi lần đầu tiên tìm hiểu về hoàn cảnh của vợ chồng chị.

 Là con cả trong gia đình, chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1982) ở thôn Xuân Chiếm Trung Nguyên (Yên Lạc) luôn là chỗ dựa tinh thần và dành hết sự yêu thương, chăm sóc cho bố mẹ và các em của mình. Rồi cũng như bao người con gái khác, đến tuổi “cập kê”, năm 2005, chị Thu lập gia đình với anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1981), là người cùng xã. Buổi đầu về ở chung, đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn, gia đình nội ngoại hai bên đều không mấy khá giả, anh em họ mạc đều đông. Bố mẹ chồng thương hai con, cũng cố gắng dành dụm chút ít, cất được ngôi nhà nhỏ cho anh chị ra ở riêng tại mảnh đất gần khu ruộng trũng. Thế rồi, anh chị cũng có tin vui. Một năm sau ngày cưới, chị Thu sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng niềm vui ấy lại đan xen nỗi buồn, nỗi đau của người mẹ trẻ thật không gì tả xiết khi chị được các bác sĩ thông báo đứa con trai của anh, chị gặp vấn đề về sức khỏe và có dấu hiệu bị một căn bệnh rất lạ về da. Trước đây do điều kiện lúc đó thiếu thốn, khó khăn nên khi mang bầu, chị Thu không có nhiều thời gian đi siêu âm để kiểm tra tình hình thai nhi. Dẫn đến việc thông tin cháu bé sinh ra bị bệnh đến với gia đình quá muộn. Cháu trai đầu của anh chị không phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, theo năm tháng, tất cả các vùng da trên người cháu bị bong tróc, đóng vảy như da cá. Từ đỉnh đầu, mắt, lỗ tai cho đến những vùng kín đều có hiện tượng khô da, thậm chí bị nứt nẻ và chảy máu, ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào những ngày hè thời tiết oi bức. Mặc dù trí tuệ và hành động của cháu vẫn rất bình thường, thậm chí là rất thông minh, nhưng phần da trên khắp cơ thể lại khiến cháu không còn là một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư. Xót con, tiền đi làm ăn hàng ngày được bao nhiêu, anh chị dồn hết để đưa con đi “Vái tứ phương”, thăm khám ở rất nhiều bệnh viện da liễu như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương… Tuy nhiên, đến bất cứ nơi nào, các bác sĩ đều lắc đầu trước bệnh tình của cháu và chuẩn đoán đây là một căn bệnh bị nhiễm từ trong máu, không thể nào chữa trị và căn nguyên có thể là do bị phơi nhiễm chất độc da cam – điôxin từ ông nội của cháu, ông Nguyễn Ngọc Trì, là thương binh hạng 2/4, từng tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch lớn tại chiến trường Long An, nơi mà đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học da cam nhằm ngăn cản lực lượng của ta. Bản thân anh Nguyễn Văn Sơn, là con thứ 3 trong gia đình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ dòng máu bị nhiễm chất độc da cam của bố mình. Từ khi sinh ra, anh Sơn rất ít nói, thường xuyên bực tức, cáu giận không cần lý do.

 gia dinh chi nguyen thi thu

Đứa con trai đầu lòng dần khôn lớn, anh chị Thu – Sơn sinh thêm một bé gái. Lần này, bé gái của anh chị được sinh ra rất bình thường, xinh xắn và ngoan ngoãn. Những tưởng, nếu sinh thêm được một bé trai nữa để mong nối dõi tông đường thì cũng sẽ không bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nào ngờ, đến khi sinh cháu trai thứ ba, nỗi đau của người bố, người mẹ ấy lại lặp lại lúc đón nhận hồng nhi từ tay các bác sĩ. Cháu út sinh ra cũng bị căn bệnh y hệt như người anh của mình. Phần da trên cơ thể của cháu cũng bị tróc lở, khô và đóng vảy, mùa hè cháu luôn phải ở trần, không thể mặc được quần áo. Vợ chồng chị Thu hết sức tuyệt vọng trước tình cảnh của các con. Nhiều đêm, nằm ôm và ru các con ngủ, một tay chị xoa lưng cho con, tay kia chị lén gạt những dòng nước mắt chứa đựng bao xót xa, thương cảm. Thương vợ, thương con, anh Sơn chịu khó làm lụng, không quản vất vả, cực nhọc, mùa nắng cũng như mùa rét, anh xin làm phụ hồ cho các công trình gần nhà với mức thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng mỗi ngày công. Còn chị Thu, ngoài những ngày bận rộn công việc đồng áng, chị lại tranh thủ xin làm thêm tại xưởng tái chế thủy tinh gần nhà. Chủ xưởng thương tình, nhận chị vào làm bất cứ khoảng thời gian nào chị rảnh và trả công 70 – 80 nghìn đồng/ngày. Cả 5 miệng ăn chỉ trông chờ và vẻn vẹn 2 sào ruộng, bữa đói, bữa no. Đã vậy, ngôi nhà nhỏ trống huếch trống hoác chẳng có nổi vật dụng gì quý giá, mái ngói thì thưa, chỗ nhỏ chỗ to. Những ngày mưa to gió lớn, sân nhà bị ngập tới gần lưng gối.

Giờ đây, cháu trai lớn của anh chị đang học lớp 4, cháu gái học lớp 2 và cháu trai út cũng chuẩn bị bước vào lớp 1. Hai cháu trai đi lại vô cùng khó khăn vì phần da ở khoeo chân và đầu gối lúc nào cũng bị căng ra, không thể duỗi thẳng bình thường. Hàng ngày, ông ngoại của các cháu phải đón, đưa đi học. Đến trường, các bạn trong lớp cảm thông và chia sẻ và cõng em lên từng bậc cầu thang. Cháu trai lớn đang được hưởng chế độ trẻ em khuyết tật với mức hỗ trợ 690 nghìn đồng/tháng. Điều mong muốn nhỏ bé của anh chị là cháu út cũng sớm được xét hưởng chế độ hỗ trợ khuyết tật và gia đình anh chị được công nhận hộ nghèo để có thể vay vốn làm ăn, kiếm thêm lo cho các cháu cái ăn, cái mặc hàng ngày. Chiều đã xế tà, chia tay chúng tôi mà ánh mắt chị Thu dường như vẫn luôn trực trào những dòng nước mắt chứa chan bao nỗi gian truân, vất vả của đời người con gái. Còn nỗi đau nào hơn thế, khi chị phải nhìn những đứa con thân yêu của mình đang vật lộn trước sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Tương lai các con chị sẽ đi đến đâu khi mà bệnh tật của các cháu vẫn chưa thể nào tìm ra được cách chữa trị.

Bài, ảnh Việt Sơn

Nguồn: baovinhphuc.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

SuperWebTricks Loading...