Lòng nhân ái là một giá trị bền vững, là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động đời sống văn hóa tinh thần và trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam. Nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tầm quan trọng giáo dục lòng nhân ái thông qua hoạt động từ thiện hiện nay là yếu tố quan trọng trong sự thành công của sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Hiện nay trong vấn đề giáo dục tại các trường học cho học sinh, sinh viên còn rất nhiều bất cập, như tình hình vi phạm pháp luật, tham gia vào các tệ nạn xã hội vẫn diễn ra rất phổ biến. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm của gia đình, bản thân học sinh không có sự rèn luyện tốt, tác động tiêu cực của bạn bè, sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ như điện thoại, internet, games…
Việc nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về giáo dục lòng nhân ái thông qua hoạt động từ thiện cho học sinh, sinh viên, để các em nhận thức rõ vai trò của tình yêu thương chân thành, cách sống có tình, có nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi khó khăn hoạn nạn là việc làm rất quan trọng. Đồng thời phải nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về sự cần thiết chung tay trong việc thực hiện giáo dục lòng từ thiện bằng hành động, việc làm hằng ngày ở gia đình, trong trường học, trên đường phố…Đó là sự chia sẻ, san sẻ, quyên góp dù nhỏ nhất cùng với đó là sự cống hiến sức mạnh cho cộng đồng đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu và là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác giáo dục lòng nhân ái.
Học sinh, sinh viên cần nhận thức đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của giáo dục lòng nhân ái thông qua hoạt động từ thiện, từ đó xác định trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường đến chính quyền, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đối với công tác này. Cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục và vận động toàn xã hội thấy được ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động từ thiện, nhìn nhận đúng thế mạnh cũng như hạn chế vốn có của giới trẻ hiện nay.
Việc đổi mới nội dung giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động từ thiện phải đi liền với thay đổi phương thức giáo dục. Giáo dục lòng nhân ái không thể dừng lại ở lời nói mà nhất thiết phải tiến tới thực hành bằng công việc, bằng các thao tác, bằng cách ứng xử để rèn luyện các hành vi thành thói quen tốt, sửa chữa và loại bỏ những thói quen xấu. Sử dụng hình thức nêu gương. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn, Hội.. , nhân rộng điển hình tiên tiến, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện, khích lệ tinh thần sáng tạo, đổi mới của học sinh, sinh viên trong việc thực hiện hoạt động từ thiện.
Giữa gia đình, nhà trường, xã hội, các ban, nghành phải có sự thống nhất về quan điểm, chủ trương, mục đích trong việc giáo dục lòng nhân ái cho các em thông qua hoạt động từ thiện. Có như vậy thì chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lòng nhân ái cho các em mới không ngừng được nâng cao. Gia đình và xã hội phải có những hiểu biết nhất định về các yêu cầu của nhà trường trong việc giáo dục lòng nhân ái và phải thường xuyên quan tâm đến công tác này.
Cần phải xây dựng tiêu chí, phương hướng, đánh giá công tác giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động từ thiện một cách hợp lý, khoa học nhằm đánh giá chính xác, công bằng cho công tác giáo dục lòng nhân ái một cách có hiệu quả. Từ đó giúp các em nhận thức đầy đủ về bản thân, phát huy mặt tích cực,khắc phục khuyết điểm để không ngừng tiến bộ. Động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện có hiệu quả.
Nhìn một cách tổng quát, nhiệm vụ giáo dục hiện nay của nước ta là làm sao để đào tạo ra được những con người có đầy đủ cả hai mặt: đức và tài. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải quan tâm chăm lo giáo dục về mọi mặt, trong đó giáo dục lòng nhân ái thông qua các hoạt động từ thiện cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách.
Dương Phương – Phòng CTXH&TT
Bình luận 0