Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc!

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc hưởng ứng ngày sơ cấp cứu thé giới

Ngày sơ cấp cứu thế giới được tổ chức nhằm vinh danh ông Henry Dunant người Thụy sĩ đã đưa ra ý tưởng về sơ cấp cứu để cứu sống mạng người cách đây 154 năm. Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chọn “Ngày thứ 7, tuần thứ 2 của tháng 9 hàng năm” là “Ngày Sơ cấp cứu thế giới”. Sáng kiến về “Ngày sơ cấp cứu thế giới” được phát động lần đầu tiên vào năm 2000 với sự tham gia của 16 Hội Chữ thập đỏ quốc gia Châu Âu. Đến nay các thành viên trong Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tham gia hưởng ứng với nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho các cán bộ,

hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Sông Lô

Hoạt động kỷ niệm “Ngày Sơ cấp cứu thế giới” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu trong việc cứu sống nạn nhân; Tôn vinh giá trị nhân đạo của hàng triệu tình nguyện viên Chữ thập đỏ trên toàn cầu đang nỗ lực hoạt động sơ cấp cứu ban đầu trợ giúp những đối tượng dễ bị tổn thương vì niềm vui, niềm hạnh phúc của cộng đồng; Khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi học sơ cấp cứu để có kỹ năng và sự tự tin giải quyết các tình huống khẩn cấp khi chứng kiến hoặc chính bản thân mình bị tai nạn, thương tích.

Ngày nay, hoạt động sơ cấp cứu của Chữ thập đỏ đã được tổ chức ở 115 quốc gia trên thế giới. Từ năm 2000, sau sự kiện thảm họa 11/9, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã chọn ngày thứ 7, tuần thứ 2 của tháng 9 hàng năm làm ngày Sơ cấp cứu thế giới nhằm nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại cộng đồng, đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu và cứu hộ, cứu nạn khi có xảy ra thảm họa hoặc tai nạn hàng loạt do những nguyên nhân khác nhau.

Ngày Sơ cấp cứu năm 2022 rơi vào thứ 7, ngày 10 tháng 9, chủ đề hưởng ứng và tổ chức hoạt động là “Học sơ cấp cứu trong suốt cuộc đời”. Sơ cấp cứu là những trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho nạn nhân bị bất cứ chấn thương, sự cố hay bị một căn bệnh đột ngột nào đó trước khi có xe cấp cứu, bác sĩ, hoặc người có chuyên môn đến chữa trị.

Việc sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết bởi vì thời gian chờ đợi bác sĩ hay những người cấp cứu đến có thể làm nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm hay không thể cứu được nữa cho dù được đưa đến bệnh viện. Tính mạng nạn nhân lúc đó có thể đo từng phút từng giây. Khi đó sự trợ giúp kịp thời của bạn có thể cứu sống được một con người. Thực tế đã xảy ra những sự việc hết sức đáng tiếc, không đáng xảy ra nếu những người xung quanh nạn nhân có kiến thức về sơ cấp cứu. Mục đích của việc sơ cấp cứu là bảo toàn tính mạng cho nạn nhân, người thân và bản thân mình. Người thực hiện sơ cấp cứu phải là người có kiến thức và chuyên môn nếu không thì phải được tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Khi tiến hành sơ cấp cứu cho nạn nhân luôn luôn làm theo trình tự, quyết định những bước chính phải làm trong trường hợp khẩn cấp như thẩm định tình huống, làm an toàn hiện trường, gọi cấp cứu và yêu cầu giúp đỡ.

Khi có mặt ở hiện trường, hãy bình tĩnh để nắm bắt các thông tin cần thiết của nạn nhân và tại hiện trường. Trách nhiệm của chúng ta là nhận định những nguy hiểm nào có thể xảy đến với bản thân, với nạn nhân và những người xung quanh, sau đó xác định mình có thể giúp đỡ điều gì và cần sự giúp đỡ nào. Hãy nói rằng bạn có chuyên môn khi ngỏ lời giúp đỡ nạn nhân. Nếu không có bác sĩ, y tá hay những người có kinh nghiệm nào khác, bạn phải bình tĩnh gánh vác mọi việc.

Những yếu tố gây ra tai nạn có thể sẽ tạo thêm nguy hiểm. Hãy nhớ là phải bảo vệ an toàn cho bản thân mình trước đã. Chúng ta không thể giúp đỡ những người khác nếu như bản thân cũng trở thành nạn nhân. Thường thì những biện pháp đơn giản nhất như tắt công tắc điện cũng đủ làm cho nơi đó an toàn. Đôi khi cũng cần có những biện pháp phức tạp hơn. Đừng bao giờ để cho bản thân mình và nạn nhân gặp nguy hiểm do làm quá sức. Hãy chú ý đến những điều kiện hạn chế của mình. Nếu không thể loại bỏ được mối nguy hiểm đe dọa đến mạng sống, hãy cố gắng đưa nạn nhân tránh ra xa đến một khoảng cách an toàn nào đó. Trước tiên, hãy thử đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong nhiều tình huống nhất thiết cần phải có người giúp đỡ và các dụng cụ chuyên môn.

Trong năm 2022, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian tham gia lớp tập huấn các học viên đã nắm được các kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu và thực hành đầy đủ các nội dung sơ cấp cứu như: Kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; Sơ cứu bất tỉnh ngừng thở, ngừng tim (kỹ thuật CPR); Sơ cứu chảy máu – sốc; Sơ cứu các vết thương phần mềm, băng bó vết thương; Sơ cứu nạn nhân gãy xương; Kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn; Sơ cứu bỏng; Sơ cứu điện giật; Sơ cứu đuối nước;…Kết quả phần lớn học viên nắm được lý thuyết và thực hành để vận dụng trong thực tế.

Hưởng ứng ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2022, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ về ngày sơ cấp cứu thế giới và các hoạt động về sơ cấp cứu. Với mong muốn kêu gọi mọi người dân ủng hộ công tác sơ cấp cứu ban đầu để cứu người nhằm hạn chế các tai nạn thương tích xảy ra.

Phạm Hằng

Bình luận 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổ chức quản lý: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH VĨNH PHÚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Phú Phương-Chủ tịch Hội
Phố Đào Sư Tích, P. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại: (+84) 02113.862.682 - Email: hoichuthapdotinhvinhphuc@gmail.com
© Ghi rõ nguồn "Website Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc" khi phát lại thông tin từ website này
Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc.

Thống Kê Truy Cập

1044031
Visit Today : 76
This Month : 3585
This Year : 44031