Vĩnh Phúc là tỉnh Trung du, năm trên châu thổ Sông Hồng, là tỉnh bán sơn địa, có 3 huyện miền núi là Lập Thạch, Sông Lô và Tam Đảo, với tổng số 39 xã miền núi. Là tỉnh có diện tích lớn các rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Năm 2011 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc được lựa chọn tham gia dự án Trồng rừng phòng hộ, giảm thiểu rủi ro thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ qua Hiệp hội CTĐ&TLLĐ quốc tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Dự án đã được triển khai với quy mô 5 xã miền núi là Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Liễn Sơn, Liên Hòa và Xuân Hòa của huyện Lập Thạch.
Tập huấn công tác Quản lý Bảo vệ rừng
Khi thực hiện dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã có những thuận lợi cơ bản là:
1. Tỉnh hội Vĩnh Phúc đã được triển khai Dự án nâng cao năng lực, phát triển Tỉnh hội (Dự án V7/N) do Hội Chữ thập đỏ Nauy tài trợ. Do vậy đã có một số kinh nghiệm trong việc tiếp nhận và triển khai thực hiện Dự án.
2. Tỉnh hội đã xây dựng được hệ thống tổ chức Hội cơ bản hoàn thiện với một cơ chế phụ cấp cho cán bộ Chữ thập đỏ ổn định.
3. Xây dựng được một bộ phận cán bộ Chữ thập đỏ có trình độ, năng lực và đã đào tạo, tập huấn được cho một bộ phận cán bộ Chữ thập đỏ các nội dung và kỹ năng như: Quản lý tài chính, Công tác quản lý và thu hút TNV, TOT, kỹ năng vận động nguồn lực v.v..
4. Công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ ở Vĩnh Phúc đã phát triển, hình ảnh, vị thế của Hội được nâng cao và các cấp Hội được cấp uỷ đảng, chính quyền tin tưởng, quan tâm sâu sát.
5. Tỉnh hội đã xây dựng được một số các mô hình Nhân đạo và một lực lượng TNV Chữ thập đỏ nhiệt huyết.
6. Tỉnh hội đã được kế thừa, phát huy và tiếp cận được các kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh đã trải qua thực hiện Dự án Trồng RNM – GTRR như: Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình và các tỉnh khác.
7. Dự án Trồng RNM – GTRR đã được Hiệp hội và Trung ương Hội chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và giám sát rất chặt chẽ.
8. Dự án Trồng RNM – GTRR được cộng đồng, các cấp Hội Chữ thập đỏ và những người hưởng lợi tiếp nhận và đón nhận rất hào hứng với nhiều mong đợi và sự tác động của Dự án.
9. Các cấp, các ngành, chính quyền và các đoàn thể tích cực vào cuộc cùng Hội Chữ thập đỏ.
10. Các hoạt động của Dự án dễ dàng triển khai thực hiện nhờ có tính kế hoạch chặt chẽ và các chỉ tiêu định mức chi tiết, cụ thể.
Sau 5 năm thực hiện dự án, với các hoạt động như: Đánh giá VCA, Truyền thông, tập huấn, diễn tập, xây dựng các biện pháp giảm thiểu rủi ro, trồng rừng phòng hộ, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng….. Dự án đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa của tỉnh.
Các hoạt động dự án đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, một bộ phận không nhỏ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, cộng đồng và người dân ở 5 xã dự án về lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, tại các xã dự án cộng đồng đã có ý thức tốt hơn về các biện pháp giảm thiểu rủi ro, nhận thức rõ hơn về tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của mình. Cán bộ Chữ thập đỏ, một số ban, ngành, đoàn thể nâng cao được năng lực triển khai và quản lý dự án, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động. Mỗi quan hệ giữa Hội Chữ thập đỏ và cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể được tốt hơn. Vị thế, hình ảnh của Hội được nâng lên rõ rệt.
Dự án đã trang bị các kỹ năng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và người dân tại cộng đồng về phòng ngừa và ứng phó thảm họa như: Kỹ năng về phòng chống cháy rừng, ứng phó với lụt, bão, sạt lở đất, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng truyền thông; kỹ năng quản lý và bảo vệ rừng, tổ chức sinh kế gia đình, kỹ năng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, sinh thái, kỹ năng về vận động xây dựng nguồn lực Chữ thập đỏ, sơ cấp cứu và phòng chống đuối nước… Mang lại lợi ích về vệ sinh, môi trường, nước sạch cho hai cơ sở Trạm Y tế của 2 xã Ngọc Mỹ và Liên Hòa để khám chữa bệnh tốt hơn cho nhân dân.
Dự án đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc. Mở rộng thêm các mối quan hệ với các ngành như: GD-ĐT, Lâm Nghiệp, Cảnh sát PCCC, Công an, NN&PTNT, Ban quản lý phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh. Rút ra được những bài học, kinh nghiệm không những trong quản lý dự án mà còn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở 5 xã dự án và các Ban Điều hành dự án từ Tỉnh đến cơ sở.
Dự án đã triển khai trồng mới được 5,6 ha rừng phòng hộ của xã Ngọc Mỹ, nơi tỉnh đã quy hoạch các khu vực trồng rừng phòng hộ. Đến nay rừng phát triển tốt, cây sống và phát triển nhanh.
Tại 5 xã thực hiện dự án Trồng RNM – GTRR, Tỉnh hội đã thành lập được 05 Đội TNV phòng ngừa và ứng phó thảm họa, 05 Đội TNV quản lý, bảo vệ rừng và 02 Đội TNV thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt với tổng số hơn 200 đội viên. Trong đó, các TNV đã được qua tập huấn các nội dung như: Phong trào CTĐ&TLLĐ, công tác quản lý và phát triển TNV, công tác truyền thông và xây dựng nguồn lực Chữ thập đỏ, công tác quản lý, bảo vệ rừng, sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn và SCC đuối nước.
Sinh kế của người dân 5 xã dự án đã phát triển tốt lên với sự ra đời hoặc phát triển thêm của một số hoạt động sinh kế như: Dịch vụ bóc gỗ, nuôi ong, chăn nuôi lợn, gà, nuôi dúi, lợn rừng, kinh doanh nhà hàng, trồng cây Thanh long ruột đỏ và trồng mía công nghiệp. Các mô hình sinh kế này đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân. Đời sồng của nhân dân đã được cải thiện và nâng cao. Có thể khẳng định hiệu quả của dự án Trồng rừng phòng hộ, giảm thiểu rủi ro đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội của 5 xã dự án và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc. Để sinh kế và các mô hình phát triển sinh kế của người dân tiếp tục phát triển, bền vững và hiệu quả, một số các giải pháp là:
Thứ nhất: Xây dựng quy hoạch và có kế hoạch dài hạn phát triển sinh kế của xã, xác định cơ cấu kinh tế phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thứ hai: Mở rộng quan hệ đối tác, phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm gỗ, nguyên liệu gỗ và các sản phẩm kinh tế đồi rừng.
Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông về sinh kế gắn với tác động của biến đổi khí hậu. Quan tâm công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn canh tác cho người dân trong xã. Phòng chống các dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Thứ tư: Tích cực, chủ động và tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và trồng các cây có giá trị kinh tế, hiệu quả cao.
Thứ năm: Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cứng hóa kênh mương, tạo điều kiện cho các ngành sinh kế phát triển.
Thứ sáu: Phát triển sinh kế gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, các tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn hệ sinh thái rừng.
Phát huy truyền thống và những lợi thế, tiềm năng của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh hội đã quyết tâm chỉ đạo giữ vững và phát triển bền vững các kết quả, hiệu quả Dự án./.
Đào Văn Hữu
Phó trưởng phòng CTXH&TT- Hội CTĐ Vĩnh Phúc
Bình luận 0