Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc!

Những điều cần biết để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)

Đại dịch Covid-19 (dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra) đang lan rộng trên toàn cầu và diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của người dân và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương, vùng miền. Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, mỗi người dân chúng ta phải tự ý thức được cách phòng, chống dịch bệnh.

+ Trước hết ta phải hiểu Covid-19 là gì?

Covid-19 là viết tắt của “Coronavirus disease 2019” – là một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 – một chủng mới của vi rút Corona, gây viêm đường hô hấp cấp ở người và có khả năng lây lan từ người sang người.

Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện đều có liên quan tới chợ bán buôn hải sản, động vật hoang dã Hoa Nam thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Tính đến 07h00 ngày 29/3/2020, dịch bùng phát tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã có 667.413 ca nhiễm bệnh, 30.840 ca tử vong. Trong đó, Việt Nam hiện có 179 ca dương tính với Covid-19, 21 ca đã bình phục.

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng có thể bao gồm: Sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể làm tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền kèm theo.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh Covid-19, nên chủ yếu điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Đây là bệnh nhiễm do vi rút nên tất cả mọi người đều có thể bị lây, không loại trừ bất cứ một ai. Chính vì vậy mỗi chúng ta nên biết cách tự phòng, chống dịch bệnh cho chính bản thân mình, cho người thân, cho gia đình và cho xã hội.

+  Cách đeo và sử dụng khẩu trang đúng cách:

1. Đối với người dân tại cộng đồng: Áp dụng đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường.

2. Đối với người chăm sóc, điều trị bệnh nhân và những người đi vào ổ dịch: Áp dụng đeo khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.

3. Cách đeo khẩu trang:

– Đối với khẩu trang vải: Che kín cả mũi lẫn miệng. Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo. Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau.

– Đối với khẩu trang y tế thông thường: Đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Che kín cả mũi lẫn miệng. Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác.

4. Chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi… Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

5. Từ ngày 16/3/2020, người nước ngoài tại Việt Nam cũng như người Việt Nam thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…). Tất cả hành khách trên các chuyến bay trong nước, quốc tế đến và đi từ Việt Nam phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi vào nhà ga.

+ Rửa tay, rửa tay và rửa tay: Hãy nhớ chỉ khẩu trang thôi là chưa đủ, rửa tay một việc làm quan trọng, đơn giản, tiết kiệm giúp ngăn ngừa và phòng tránh lây lan bệnh tật. Nên rửa tay với các dung dịch có tính chất sát khuẩn như: Xà phòng, nước rửa tay thông thường, nước/gel rửa tay khô, dung dịch cồn 60% – 90% trong ít nhất 20 giây; rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi phải bắt tay xã giao, sau khi nhận tiền lại từ siêu thị hoặc quầy hàng, sau khi vịn các hành lang nơi công cộng, sau khi mở, đóng cửa xe taxi hoặc vịn vào thành ghế máy bay, xe khách, ổ nắm cửa khách sạn…

+ Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Năm không, gồm: Không hoang mang dao động trước diễn biến dịch bệnh, không chủ quan, lơ là coi thường dịch bệnh; không che giấu khi có biểu hiện nhiễm dịch hoặc người khác bị nhiễm, nghi nhiễm dịch; không kỳ thị người nhiễm dịch, nghi nhiễm dịch, người ở các vùng dịch; không tung tin hoặc đưa tin, lan truyền tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh; không đầu cơ, tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm, thiết bị y tế để trục lợi.

2. Ba cần, gồm: Cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng trước dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế; cần chủ động kê khai y tế trung thực khi thấy mình có liên quan đến dịch, đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh; cần thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan chức năng thông tin về những người nhiễm dịch, nghi nhiễm dịch hoặc ở các vùng dịch đến địa phương cư trú, hoạt động.

Số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế là: 1900 3228  1900 9095.

Số điện thoại đường dây nóng nhận thông tin của tỉnh Vĩnh Phúc là:

    0692621112 (Công an tỉnh); 0965071010 (Sở Y tế)

Nguồn: Bộ Y tế, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc

Bình luận 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổ chức quản lý: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH VĨNH PHÚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Phú Phương-Chủ tịch Hội
Phố Đào Sư Tích, P. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại: (+84) 02113.862.682 - Email: hoichuthapdotinhvinhphuc@gmail.com
© Ghi rõ nguồn "Website Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc" khi phát lại thông tin từ website này
Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc.

Thống Kê Truy Cập

1066370
Visit Today : 84
This Month : 1664
This Year : 66370