Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc!

Nỗi niềm người mẹ khuyết tật

Ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) ai cũng biết chị Phạm Thị Bảo (SN 1962), ở thôn Thanh Lanh là bà mẹ khuyết tật đơn thân giàu nghị lực.

Hiện nay, 3 mẹ con chị Bảo đang sống trong ngôi nhà cấp 4 trong điều kiện tường đã nứt nở, những tấm ngói Bro xi măng đã thủng nhiều chỗ. Cậu con lớn vẫn thường xuyên sửa chữa để cả nhà có chỗ chui ra, chui vào trong những ngày mưa nắng. Tiếp xúc với chúng tôi, ánh mắt chị đượm buồn và không giấu nỗi những giọt nước mắt, nhưng rồi chị đã nén lại cảm xúc để kể cho chúng tôi nghe về quá khứ không may của mình: “Năm lên 5 tuổi, chị bị bỏng nước sôi khiến 2 chân bị co rút. Nhưng do nhà nghèo không có điều kiện đưa đi chữa trị nên sau đó, 2 chân chị đã bị teo và không thể đi lại như người bình thường. Sau đó vài năm, chị lại chịu cảnh mồ côi cha mẹ, phải sống dựa vào những người thân khác. Sau đó chị được Ủy ban MTTQ xã xây dựng cho một căn nhà Đại đoàn kết rồi tự mình mưu sinh”.

Cuộc sống vất vả, nhưng khát khao làm mẹ khiến chị chủ động “xin” cho mình hai mụn con để thủ thỉ những lúc vui, buồn. Và niềm hạnh phúc đã đến, vào năm 1994 và 2002, khi cậu con trai Phạm Văn Cường và cô con gái Phạm Thu Trang đã lần lượt chào đời. Để nuôi con khôn lớn, người mẹ khuyết tật không nề hà bất cứ công việc gì. Thời gian đầu, chị chỉ đi cất vó lấy con tôm, con tép đem bán. Sau này, để nuôi con ăn học, chị còn nấu thêm nồi chè hay muối những vại dưa, vại cà để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có thời điểm, chị đi lượm đồng nát, nhặt nhạnh từng mảnh bìa cũ, mẩu sắt vụn ở các thôn, xã lân cận. “Khi các con còn bé, đứa lớn đi học, đứa nhỏ chị phải “gùi” lưng theo mẹ ra chợ. Vì tương lai của các con, nên chị không ngần ngại việc gì, chăm chỉ làm ăn nên cũng lo được bữa hôm bữa mai cho gia đình, cố gắng để cho các con đến trường để biết cái chữ”-chị Bảo chia sẻ.

Thương mẹ vất vả, cậu con trai Phạm Văn Cường chăm chỉ học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Năm 2012, Cường thi đỗ vào trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Nhưng thương mẹ vất vả, tảo tần lại phải lo gánh nặng chi phí học tập cho 2 anh em, nên Cường đành phải bỏ dở ước mơ trở thành kỹ sư điện dân dụng để về gần nhà học tại trường Cao đẳng nghề Việt Đức với mong muốn giúp mẹ nuôi em. Mỗi buổi sáng, dù là mùa đông hay mùa hè, Cường thường dậy sớm ra hồ Thanh Lanh cất vó và mang tôm cá về cho mẹ đi chợ. Buổi trưa đi học về, Cường lại tranh thủ giúp mẹ cuốc đất, trồng rau, chăm bón cây lúa…

Còn em Phạm Thu Trang, mới 11 tuổi nhưng rất thương mẹ và anh, biết hoàn cảnh gia đình nghèo khó dù phải đi học cách nhà đến 3 km nhưng em vẫn không dám xin mua xe đạp để đến trường. Khó khăn là như vậy nhưng em không nản chí mà vẫn vươn lên học tập tốt và giành danh hiệu học sinh giỏi của trường THCS Trung Mỹ. Còn chị Bảo, dù đôi chân vẫn có thể lết đi nhưng lúc trái gió trở trời chị vẫn thường đau buốt. Thời gian gần đây, chị Bảo thường xuyên đau ốm, cứ mỗi lần trái gió trở trời là hàng tháng không đi chợ được. Tất cả thu nhập của gia đình chỉ còn trông chờ vào 315.000 tiền trợ cấp tàn tật và 2 sào ruộng. Cậu con trai thường xuyên phải đi làm thêm cho cánh thợ sắt trong làng nên việc học tập cũng không được như ý muốn. Mỗi ngày trôi qua, chị lại thấy sức khỏe của mình một sa sút. Vậy nên, những ngày này, cuộc sống của mấy mẹ con lại vô cùng bấp bênh. Ước mơ về một ngôi nhà vững chãi và cho tất cả các con được ăn học đến nơi đến chốn, lại đang xa dần với chị, chị chỉ mong sao mình không bệnh tật để lại đi chợ nhặt nhạnh những đồng tiền nhỏ bé và tiếp tục thực hiện ước mơ giản đơn của mình.

Nói về hoàn cảnh gia đình chị Bảo, ông Trần Trọng Tâm, Trưởng thôn Thanh Lanh cho biết: “So với những người cùng trang lứa trong làng chị Bảo kém may mắn hơn, nhưng chị lại có tình mẫu tử sâu nặng, cộng tính cần cù chịu khó nên cuộc sống gia đình đã đỡ vất vả. Nhưng hiện nay, bệnh tình của chị ngày một nặng hơn, vai trò trụ cột cũng không thể gánh trên vai được nữa, trong khi con cái còn đang đi học, nhà cửa thì xuống cấp. Đối với chị, cuộc sống này còn rất nhiều việc phải làm. Những năm qua, mẹ con chị Bảo luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ động viên của Hội Bảo trợ Người tàn tật huyện Bình Xuyên, chính quyền địa phương và bà con thôn Thanh Lanh. Dù vậy, sự chia sẻ đó cũng chỉ giúp đỡ chị được phần nào. Hơn lúc nào hết, chị Bảo rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng để chị có tiền sang sửa lại ngôi nhà và nuôi con cái học hành thành đạt.

Chị Bảo thường xuyên đau yếu nên chỉ có thể làm việc nhà.
Ảnh Chị Bảo thường xuyên đau yếu nên chỉ có thể làm việc nhà.

 Bài, ảnh Trung Huy

 

Bình luận 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổ chức quản lý: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH VĨNH PHÚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Phú Phương-Chủ tịch Hội
Phố Đào Sư Tích, P. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại: (+84) 02113.862.682 - Email: hoichuthapdotinhvinhphuc@gmail.com
© Ghi rõ nguồn "Website Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc" khi phát lại thông tin từ website này
Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc.

Thống Kê Truy Cập

1066644
Visit Today : 120
This Month : 1938
This Year : 66644