Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là Cuộc vận động lớn do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong mọi hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ.

Bà Phạm Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh
trao quà cho các cháu là trẻ em mồ côi tại Trung tâm Sao Mai

Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động đối với toàn bộ các hoạt động nhân đạo của Hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tham mưu Tỉnh Uỷ ban hành Thông tri số 25-TT/TU ngày 28/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Sau 10 năm triển khai, thực hiện các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đã triển khai, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, nghiêm túc, tạo được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia ủng hộ tích cực. Các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu,  phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng, lan tỏa có hiệu quả thiết thực. Kết quả các cấp Hội đã khảo sát, lập 37.098 hồ sơ địa chỉ nhân đạo, vận động trợ giúp 32.922 hồ sơ, với 34.493 lượt người được hưởng lợi từ cuộc vận động; tổng trị giá đạt 95,27 tỷ đồng. Trong đó, 52,7% địa chỉ do Hội Chữ thập đỏ các cấp trực tiếp vận động trợ giúp, 43,7% địa chỉ còn lại do Hội vận động các tổ chức, cá nhân khác trợ giúp. Thông qua Cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh (Năm 2008 khi chưa có Cuộc vận động, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 10,4% và đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%).

Tuy nhiện Cuộc vận động còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: nhận thức của các cấp Hội về bản chất Cuộc vận động chưa đầy đủ, nặng tính Phong trào; công tác điều tra, khảo sát có nơi chưa thống nhất về tiêu chí lựa chọn đối tượng, chưa gắn với đối tượng trợ giúp theo hướng phát triển bền vững; việc tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo Cuộc vận động ở một số địa phương còn thụ động; công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ chưa được thực hiện thường xuyên, chậm tiến độ, thiếu chính xác, còn nhầm lẫn giữa kết quả quả các phong trào với Cuộc vận động; công tác huy động nguồn lực ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác phát huy hết tiềm năng vốn có. Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Do năng lực công tác tham mưu, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức các đoàn thể, chính trị-xã hội còn hạn chế, thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền thông tin, giới thiệu về Cuộc vận động chưa thường xuyên, chưa sâu rộng; công tác điều tra, khảo sát lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo chưa thực sự đúng quy trình, hàng năm chưa thực hiện rà soát, cập nhật địa chỉ nhân đạo mới; công tác kiểm tra đôn đốc giám sát thực hiện chưa được coi trọng đúng mức; công tác thi đua khen thưởng chưa thực hiện thường xuyên; công tác đánh giá, nhân rộng các mô hình công tác xã hội nhân đạo hoạt động hiệu quả, thiết thực chưa được thực hiện.

 Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực vận động nhân đạo của các cán bộ Hội, qua đó nâng cao chất lượng tổ chức Hội, thực hiện vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối trong hoạt động nhân đạo. Đặc biệt phải tranh thủ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; thấu đáo Cuộc vận động, có quyết tâm cao, gương mẫu thực hiện Cuộc vận động “Với sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 18/CT-TTG ngày 07/9/2018”; phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Hai là, xác định rõ được thế nào là một “địa chỉ nhân đạo”, địa chỉ nhân đạo là các cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ năng lực để đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, có nhu cầu và đồng ý trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân. Đối tượng là những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân thiên tai thảm hoạ, bệnh nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa…;

Ba là, hiểu được “Gắn với một địa chỉ nhân đạo” chính là sự trợ giúp cụ thể, thiết thực, mang tính phát triển bền vững trên cơ sở nắm chắc tình hình đối tượng. Có 02 loại hình trợ giúp: Thứ nhất, trợ giúp một lần hoặc trợ giúp dưới 12 tháng thì tổng giá trị hỗ trợ tối thiểu từ 3 triệu đồng trở lên đối với hộ có 01 địa chỉ nhân đạo và 05 triệu đồng trở lên đối với hộ có từ 02 địa chỉ nhân đạo. Thứ hai, hỗ trợ thường xuyên thời gian tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 24 tháng được tính là một chu kỳ hỗ trợ. Ví dụ, trợ cấp một lần như hỗ trợ xây nhà “Chữ thập đỏ”, trợ giúp thường xuyên như hỗ trợ kinh phí học tập cho một sinh viên nghèo trên 12 tháng…

Bốn là, tổ chức rà soát, xây dựng được Ngân hàng điện tử “địa chỉ nhân đạo” theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, công tác khảo sát, lựa chọn đối tượng luôn đảm bảo tính khách quan, trung thực, đủ thông tin về tình hình đời sống và nhu cầu trợ giúp của từng đối tượng, đồng thời phải chủ động đưa ra hình thức trợ giúp phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế, thường xuyên rà soát cập nhật nhu cầu và kết quả trợ giúp trên Cổng thông tin điện tử.

Năm là, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, góp phần giới thiệu rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động trong nhân dân. Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là Cuộc vận động mang tính lâu dài, xuyên suốt trong quá trình thực hiện các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp cho các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đẩy mạnh xây dựng các mô hình nhân đạo phù hợp với đối tượng ở từng địa phương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung.

                                                                             Phạm Thị Kim Dung
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh

                                                                         

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

SuperWebTricks Loading...