Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc!

Cho đi là còn mãi

Ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới được tiến hành năm 1954. Trải qua thời gian 27 năm sau đó, đến năm 1981, các kĩ thuật ghép tụy, gan, tim, ruột, phổi mới dần được làm chủ hoàn toàn. Ở Việt Nam, kĩ thuật ghép tạng xuất phát chậm. Năm 1992, ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam được thực hiện, đó là một ca ghép thận.

Và, cũng phải mất đến 27 năm sau thì nước ta mới điền được tên trên bản đồ ghép tạng thế giới. Đó là một nỗ lực rất lớn của ngành y tế. Song song với sự hoàn thiện về pháp lý, không ngừng nâng cao kĩ thuật ghép tạng, còn là nỗ lực không mệt mỏi để tìm nguồn tạng hiến từ người dân trên tinh thần tạng hiến là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia.

Trao cơ hội sống cho nhiều người khác

Năm 1992, ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Cho đến nay, cả nước đã có 25 trung tâm ghép tạng trải dài từ Bắc vào Nam. Đó là thành tựu rất lớn trong lĩnh vực lấy, ghép mô, tạng trong 30 năm qua. Để thực hiện được hoạt động hiến ghép mô tạng, phải dựa vào cơ sở pháp lý: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác năm 2006, trong đó quy định rất rõ về “chết não”. Theo khoản 9, Điều 3 của luật này thì chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được. việc xác định chết não chính là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết não. Luật cũng nêu rõ nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, tạng dựa trên sự tự nguyện đối với người hiến, người được ghép, không nhằm mục đích thương mại.

Cho đi là còn mãi -0
Các đại biểu chứng kiến những người tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng và đăng kí hiến xác trong Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức về hiến, ghép mô, tạng tại Vĩnh Phúc.

Từng ngày, từng giờ trôi qua, đang có rất nhiều người bệnh chờ đợi được ghép mô, tạng để được cứu sống. Cũng có nhiều người đăng kí hiến mô, tạng khi chết, chết não với tinh thần trao tặng cơ hội mang lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, từ ca đầu tiên năm 1992, tính đến ngày 30/9/2023, cả nước đã có 7.992 ca ghép tạng, cứu sống được nhiều người bệnh có chỉ định ghép tạng.

Số lượng người đăng ký hiến tạng cũng không ngừng tăng lên. Với tinh thần cho đi là còn mãi, từ năm 2013 đến nay đã có 78.005 người đăng ký hiến. Năm 2013, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chính thức đi vào hoạt động, thực hiện việc điều phối ghép mô, tạng từ người cho chết não ngày càng hiệu quả và nhanh chóng. Trong đó, đã thực hiện được những ca lấy tạng, vận chuyển, ghép tạng xuyên Việt; những ca ghép tim – thận đồng thời.

Câu chuyện về bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) ra đi vì bệnh ung thư, để lại giác mạc quý giá đã làm xoay chuyển nhận thức của người dân về hiến mô, tạng. Người mẹ trẻ Trần Thùy Dương yêu con vô cùng, muốn con chị được tiếp tục sống một cuộc đời khác, san sẻ nguồn tạng quý giá cho những bạn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng, rất tiếc, theo quy định của pháp luật thì bé Hải An chưa đủ tuổi hiến tạng sau khi chết, chết não. Hải An đã hiến tặng giác mạc cho 2 người khác tìm thấy ánh sáng của cuộc đời. Nghĩa cử cao đẹp của gia đình bé Hải An lan tỏa những giá trị tích cực, khiến số lượng người hiến thời gian sau đó tăng đột biến.

Không chỉ hiến giác mạc của con gái, chị Dương cũng đã đăng kí hiến xác và đăng kí hiến mô, tạng. Việc cho đi những bộ phận quý giá trên cơ thể để người khác có thêm cơ hội sống với chị không phải là điều gì to tát. Bởi, chị nghĩ đến điều đó từ sớm, nghĩ đến thường xuyên với một thái độ sẵn sàng, không băn khoăn, không đong đếm.

Năm 2010, Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương là ngân hàng mắt đầu tiên trong cả nước đi vào hoạt động. Đến nay cả nước đã có 3 ngân hàng mắt và một cơ sở ghép giác mạc tại Huế. Đã có tới hơn 40 nghìn người tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc và có gần 1 nghìn người hiến tặng giác mạc, mang lại ánh sáng cho nhiều người mù lòa. Không chỉ hiến mô, tạng, mà việc hiến xác cho y học sau khi chết ở nước ta cũng đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Đặng Tiến Trường, Phó Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y cho biết từ những năm 1990 trở lại đây, công tác tiếp nhận và bảo quản thi thể hiến ngày càng gia tăng. Đến nay, tổng số đơn hiến xác đã nhận là 1.255 hồ sơ, đã phát 1.192 thẻ. Việc hiến xác có ý nghĩa lớn vì qua đó có thể chữa bệnh cho người khác, nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Thi thể người hiến được coi như những “người thầy thầm lặng” trong giải phẫu học, trong công tác huấn luyện phẫu thuật. Cụ ông Nguyễn Ngọc Bội ở Nam Định là người đầu tiên làm đơn đề xuất hiến xác tại Học viện Quân y vào năm 2011. Khi đó, mặc dù họ hàng, người thân chưa đồng thuận với quyết định này nhưng vẫn thực hiện theo tâm nguyện của cụ. Sau 12 năm, vừa qua, Học viện Quân y đã tổ chức lễ hỏa táng và trao trả tro cốt của cụ Bội cho gia đình để tiến hành an táng tại địa phương.

Cho đi là còn mãi -0
Chị Nguyễn Thị Nhung ở huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc đã đăng kí hiến mô tạng, hiến xác.

Tầm quan trọng của “Danh sách chờ ghép Quốc gia”

Tuy số người hiến tạng tăng, số ca ghép tạng tăng, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, nguồn mô, tạng hiến đang thiếu trầm trọng. Trong số 7.992 ca ghép tạng đã thực hiện thì chủ yếu là ghép tạng từ nguồn người cho sống. Trong khi tại các nước phát triển, tỷ lệ mô tạng từ người cho chết não chiếm tới 80% các ca ghép thì ở nước ta hiện nay tỷ lệ này mới chỉ đạt gần 5%.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ rằng có đến 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Bởi vậy, vẫn còn rất nhiều những đôi mắt mòn mỏi chờ ánh sáng. Nhưng, số người được ghép giác mạc lành để tìm lại được ánh sáng vẫn vô cùng khiêm tốn do không đủ nguồn giác mạc để ghép. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vẫn còn e ngại việc hiến mô, tạng là do định kiến xã hội đã ăn sâu trong tiềm thức rằng chết phải toàn thây. Thạc sĩ Hoàng nhấn mạnh rằng việc hiến giác mạc không phải là hiến cả đôi mắt mà chỉ hiến lớp màng mỏng và khi lấy giác mạc ra không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến. Từ hiểu biết đúng sẽ thay đổi nhận thức và hành vi. Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng kí hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Ở Việt Nam có trẻ em mới chỉ 4 tuổi đã hiến giác mạc và người cao tuổi nhất là 107 tuổi vẫn hiến được giác mạc để đem ánh sáng cho người khác.

Chính vì thiếu nguồn mô, tạng hiến mà tình trạng buôn bán tạng vẫn diễn ra phức tạp và nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy và tác động xấu cho tình hình an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng và đặc biệt là các quyền của con người. Có nhiều nhóm đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Đầu năm 2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã kết thúc 2 chuyên án đấu tranh lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến “Mua bán bộ phận cơ thể người” (gan, thận) gây chấn động dư luận. 700 triệu đồng cho một ca ghép thận; 1,2-1,5 tỷ đồng cho một ca ghép gan là cái giá đưa ra, trong đó người bán thận được trả số tiền từ 250-300 triệu đồng, đối tượng cầm đầu hưởng lợi từ 50-200 triệu/ca ghép rồi chúng chia chác cho những người cùng môi giới và chi phí ăn ở, đi lại, xét nghiệm ban đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh, để hạn chế được việc mua bán tạng, cần tăng nguồn tạng hiến và chỉ tiến hành ghép tạng khi người ghép có tên trong “Danh sách chờ ghép quốc gia” và có chỉ định ghép của hội đồng tư vấn. “Danh sách chờ ghép quốc gia” chính là cơ sở pháp lý cho việc điều phối lấy, ghép tạng qua hệ thống “Phần mềm quản lý và điều phối ghép tạng quốc gia”. Luật Hiến, lấy, ghép, mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến mô, tạng của mình khi còn sống hoặc khi đã chết, chết não và hiến xác. Trong thời gian tới, hy vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung, trong đó sẽ mở rộng độ tuổi hiến tạng để nhiều người có điều kiện hiến tạng cứu người.

Cho đi là còn mãi -0
Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng trong một lần thu nhận giác mạc của người hiến.

Những lá đơn quý giá

Ngày 27/10 vừa qua, từ huyện Sông Lô xa xôi, chị Nguyễn Thị Nhung đã đến thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tham gia Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức về hiến, ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. “Tôi đã đăng kí hiến mô, tạng từ năm 2017. Nay tôi muốn hiến xác cho y học. Tôi mong muốn sau này mình mất đi thì mô tạng vẫn giúp được cho người khác kéo dài sự sống”, chị Nhung chia sẻ về quyết định hiến mô, tạng một cách cởi mở. Không chỉ chị Nhung mà rất nhiều người có mặt tại hội nghị hôm đó đều có những giây phút xúc động, suy ngẫm khi được các chuyên gia giải thích cặn kẽ về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến mô, tạng.

Việc tuyên truyền vận động hiến mô, tạng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội. Trong đó, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích nhân đạo của việc hiến mô, tạng. Thực tế cho thấy, những người nắm bắt và tiếp cận gia đình, người bệnh hiến mô, tạng dễ dàng và sát sao chính là đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương.

Ông Trần Phú Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ rằng ngay trong hội nghị đã có 2 tình nguyện viên điền vào đơn đăng kí hiến xác, 16 tình nguyện viên đăng kí hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Đó thực sự là những lá đơn ý nghĩa vì mục đích cứu người, đóng góp cho khoa học. Ông Phương mong muốn trong thời gian tới sẽ thành lập chi hội hiến mô, tạng tại Vĩnh Phúc để đẩy mạnh việc đăng kí hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin được Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, để việc đăng ký hiến mô, tạng của người dân diễn ra thuận lợi, hiện nay có nhiều hình thức đăng kí hiến mô, tạng. Có thể đăng kí tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tại 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có thể đăng kí từ xa, tải mẫu đơn tại địa chỉ trang web: http://vnhot.vn. Trên thế giới, ở một số quốc gia, việc đăng ký hiến mô tạng được tích hợp vào bằng lái xe. Ở Việt Nam hiện đang đề xuất hình thức đăng ký hiến mô tạng được tích hợp với căn cước công dân trên nền tảng ứng dụng VNeID.

Huyền Châm

Bình luận 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổ chức quản lý: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH VĨNH PHÚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Phú Phương-Chủ tịch Hội
Phố Đào Sư Tích, P. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại: (+84) 02113.862.682 - Email: hoichuthapdotinhvinhphuc@gmail.com
© Ghi rõ nguồn "Website Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc" khi phát lại thông tin từ website này
Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc.

Thống Kê Truy Cập

1044928
Visit Today : 289
This Month : 4482
This Year : 44928