Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 được tổ chức đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của các Hội quốc gia nhằm giải quyết những thách thức nhân đạo mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Trước sự phức tạp, gia tăng và tính khốc liệt của các cuộc khủng hoảng, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh và xung đột gây ra, nhu cầu hợp tác, chia sẻ và phối hợp hành động tạo thành sức mạnh của một phong trào thống nhất toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết và sống động hơn bao giờ hết…
Sáng 21/11, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) với chủ đề: “Châu Á-Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” đã được khai mạc tại Hà Nội.
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Jagan Chapagain – Tổng thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; bà Maha al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; ông Gillis Carbonnier, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế; bà Bùi Thị Hoà – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng đại diện các hội quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội.
Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức 4 năm một lần và là sự kiện quan trọng của khu vực châu Á Thái Bình Dương, với sự tham dự của tất cả các Hội quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực Trung Đông – Bắc Phi, nhằm thảo luận, đánh giá về kết quả hoạt động trong thời gian qua và định hướng kế hoạch hoạt động của toàn khu vực trong thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức đã đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của các Hội quốc gia nhằm giải quyết những thách thức nhân đạo mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Trước sự phức tạp, gia tăng và tính khốc liệt của các cuộc khủng hoảng, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh và xung đột gây ra, nhu cầu hợp tác, chia sẻ và phối hợp hành động tạo thành sức mạnh của một phong trào thống nhất toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết và sống động hơn bao giờ hết.
Phát biểu khai mạc Hội nghị AP-11, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên so với các châu lục khác. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực địa lý thường gánh chịu tác hại của thiên tai, thảm họa thiên nhiên và nằm trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Việt Nam trải qua hàng nghìn năm khai thiên lập địa, kiên cường trước “đầu sóng ngọn gió”, người dân Việt Nam hòa hiếu và kiên trung đã đúc kết nên nhiều bài học kinh nghiệm quý báu thích ứng với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên, cải biến thiên nhiên bằng văn hóa ứng xử với thiên tai, dịch bệnh, bằng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc. Việt Nam cũng là một quốc gia đi tiên phong và rất thành công trong chiến lược phòng, chống đại dịch COVID- 19. Những bài học ấy, sẽ được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ trong hội nghị quan trọng này.
“Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé vào sự đoàn kết, thống nhất của phong trào bằng việc tổ chức hội nghị xanh, thân thiện, chu đáo, an toàn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp” – bà Bùi Thị Hòa bày tỏ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sáng kiến, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cảm ơn Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội nghị. Đây là cơ hội để củng cố sự hợp tác giữa Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức hoạt động nhân đạo quốc tế, khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đối với Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, các Chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực và các bên liên quan cần dành ưu tiên cao và nhiều nguồn lực hơn nữa cho các hoạt động nhân đạo; Cần coi công tác nhân đạo là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trên cơ sở đó tiếp tục thúc đẩy mạnh hợp tác ở các cấp độ quốc gia, song phương, trong khu vực và toàn cầu, nhất là trong hoạch định chiến lược, chính sách, huy động và quản lý các nguồn lực.
“Bên cạnh các nỗ lực chung về phòng ngừa và giải quyết các hậu quả từ chiến tranh, xung đột truyền thống, các hoạt động nhân đạo quốc tế cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống như thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Đây là những vấn đề có thể phát sinh ở bất kỳ thời điểm nào, không bị ngăn cách bởi không gian địa lý và có thể bị tác động nặng nề đến mọi quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Bà Maha al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro do thiên tai.
Bà Maha Barjas Hamoud Al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế-phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nguy cơ phải đối mặt với các sự kiện liên quan đến khí hậu đang gia tăng ở mức đáng báo động, với sự gia tăng các đợt nắng nóng đe dọa tính mạng và ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.
Tại hội nghị, các bên tham dự chia sẻ về phong trào tình nguyện, nghĩa cử cao đẹp, hành động trong cộng đồng nhằm khơi dậy tình yêu thương, lan tỏa sức mạnh đoàn kết, nhân ái; kinh nghiệm hỗ trợ hiệu quả người dân bị thiên tai, thảm họa. Các đại biểu khẳng định, sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, quốc gia là vô cùng cần thiết và quan trọng trong hỗ trợ, xử lý hậu quả thiên tai. Việc tăng cường dự báo sát sao hơn về các thảm họa sẽ giúp tăng khả năng tự chuẩn bị, ứng phó thiên tai, nhằm tránh thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa tổn thất của các quốc gia.
Thu Hằng
Bình luận 0