Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc!

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lớp huấn luyện cho Tập huấn viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ về 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao – Chủ đề 1 (ToT1)

Để thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu, xử lý kịp thời các tai nạn thương tích xảy ra trong các tình huống khẩn cấp tại cộng đồng và tranh thủ “Thời gian vàng” để quyết định sự sống chết hoặc để duy trì sức khỏe của các bệnh nhân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức khóa “Huấn luyện cho Tập huấn viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ về 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao – Chủ đề 1 (ToT1)” cho 09 tập huấn viên sơ cấp cứu là những cán bộ y sỹ, bác sỹ, dược sỹ của Hội.

Ảnh hoạt động học tích cực của các tập huấn viên

Đối với Hội Chữ thập đỏ, sơ cấp cứu là một trong 7 lĩnh vực hoạt động chính của Hội, hoạt động Chữ thập đỏ về sơ cấp cứu ban đầu gồm: Tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ, kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế và báo tin cho gia đình, cơ quan, tổ chức nơi nạn nhân làm việc hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú; Tổ chức lực lượng, tiến hành đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng hội viên, tình nguyện viên có kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu; Tổ chức điểm, trạm sơ cấp cứu ở những nơi thường xuyên xảy ra tai nạn, cung cấp dụng cụ sơ cấp cứu.

Các tập huấn viên chụp ảnh kỷ niệm khi kết thúc lớp huấn luyện

Sơ cấp cứu là phương pháp trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho nạn nhân khi họ bị bất cứ chấn thương, sự cố hay bị một căn bệnh đột ngột nào đó trước khi có xe cấp cứu, bác sỹ hoặc người có chuyên môn đến chữa trị. Việc sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết bởi vì thời gian chờ đợi bác sỹ hay những người cấp cứu đến có thể làm nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm hoặc không thể cứu chữa được. Tính mạng nạn nhân lúc đó có thể tính từng phút, từng giây. Mục đích của việc sơ cấp cứu là bảo toàn tính mạng cho nạn nhân, người thân và đôi khi chính là bản thân mình. Người thực hiện sơ cấp cứu phải là người có kiến thức và chuyên môn, nếu không thì cũng phải có những hiểu biết cơ bản về sơ cấp cứu. Vì vậy, việc các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được huấn luyện về sơ cấp cứu là hết sức cần thiết.

Xác định được tầm quan trọng của việc đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng hội viên, tình nguyện viên có kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu ban đầu. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức khóa “Huấn luyện cho Tập huấn viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ về 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao – Chủ đề 1 cho 09 tập huấn viên sơ cấp cứu là những cán bộ y sỹ, bác sỹ, dược sỹ của Hội. Theo Kế hoạch các tập huấn viên được học trong 8 ngày tập trung liên tiếp. Đây là khóa huấn luyện với những kỹ thuật sơ cấp cứu xử lý các tai nạn thường gặp trong cuộc sống như chảy máu, sốc, bỏng, điện giật, tắc đường thở, tổn thương phần mềm, đuối nước và các tai nạn phức tạp như kỹ thuật xử lý tổn thương cột sống, xử lý chấn thương sọ não hay tổn thương vùng bụng, vùng ngực… Đối tượng hướng tới là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ cấp I có mong muốn tiếp tục được đào tạo nâng cao và cấp chứng nhận để trở thành tình nguyện viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ cấp II.

Tại lớp tập huấn, các tập huấn viên được cung cấp các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu liên quan đến 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao; mô tả và thực hành đủ các bước, phân tích được ý nghĩa, yêu cầu phải đạt của mỗi bước trong 24 kỹ thuật sơ cấp cứu Chữ thập đỏ nâng cao. Khi tham gia khóa huấn luyện, các học viên có tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, chấp hành nội quy khóa học, tham gia học tập nhiệt tình, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau tốt. 100% học viên đã cố gắng trong học tập, tiếp thu bài giảng, tích cực tham gia, đặt câu hỏi cho tập huấn viên, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bản thân khi tham gia đào tạo các khóa huấn luyện tại cộng đồng và khi xử trí các tình huống cụ thể tại địa phương; tích cực tham gia thực hành rèn luyện các kỹ thuật Sơ cấp cứu nâng cao; bố trí cả thời gian ngoài giờ để tập huấn viên hỗ trợ học viên thực hành kỹ thuật và thực hiện nhiều lần một kỹ thuật để trở thành kỹ năng.

Đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm từ các hoạt động tham gia giảng dạy nhiều khóa huấn luyện sơ cấp cứu cho tập huấn viên từ các chương trình đào tạo, dự án…; sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kiến thức, tình huống thực tiễn để học viên mở rộng kiến thức và phương pháp giảng dạy học qua trải nghiệm, lấy học viên làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành, ví dụ minh họa, hướng dẫn thực hành chi tiết, bám sát học viên thực hành, yêu cầu học viên thực hiện nhiều lần để kỹ thuật chuẩn xác đã giúp cho khóa huấn luyện diễn ra theo đúng kế hoạch, chương trình ban đầu. Cuối mỗi ngày học các tập huấn viên, hướng dẫn viên và cán bộ tổ chức đã ngồi lại rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho các ngày tiếp theo. Ngoài ra cuối khóa huấn luyện tập huấn viên đã tổ chức nhận xét rút kinh nghiệm cho từng học viên sau khi tham gia.

Kết thúc khóa học, 100% học viên có kiến thức, thực hành được 24 kỹ thuật sơ cấp cứu nâng cao, đạt yêu cầu mục tiêu của khóa huấn luyện. Hầu hết học viên hài lòng và đánh giá cao nội dung chương trình khóa huấn luyện và tiếp nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng khi tham gia khóa huấn luyện 08 ngày và mong muốn sẽ được tham gia các khóa học tiếp theo để trở thành tập huấn viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

                                                                                         Lê Văn Long

Chia sẻ bài viết:

Bình luận 0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổ chức quản lý: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH VĨNH PHÚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Phú Phương-Chủ tịch Hội
Phố Đào Sư Tích, P. Khai Quang, Tp. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Điện thoại: (+84) 02113.862.682 - Email: hoichuthapdotinhvinhphuc@gmail.com
© Ghi rõ nguồn "Website Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc" khi phát lại thông tin từ website này
Thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc.

Thống Kê Truy Cập

1031440
Visit Today : 202
This Month : 6578
This Year : 31440